Công tác chăm sóc phụ nữ và trẻ em mù - Một năm nhìn lại

Công tác chăm sóc phụ nữ và trẻ em mù - Một năm nhìn lại

 

Khi những tia nắng ấm áp của một mùa xuân mới tỏa khắp mọi miền quê, trong mỗi cán bộ, hội viên đều ấm lên những tình cảm chân thành đối với Hội, ấm lên niềm vui trước những kết quả mà Hội đã đạt được trong năm qua. Sự ấm áp và những niềm vui ấy càng được nhân lên trong lòng chị em và các cháu - những người gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, khi công tác chăm sóc hai nhóm đối tượng này cũng đã thu được những thành công mới.

Ảnh: Bà Đinh Việt Anh - Trưởng ban Công tác phụ nữ TƯ Hội thăm và tặng quà nhân dịp Tết nguyên đán Ất Mùi cho hội viên nữ mù đa tật tại thành phố Thái Bình

      Trước hết, để công tác chăm sóc phụ nữ, trẻ em ngày càng hiệu quả, trong năm, việc củng cố, kiện toàn Ban Công tác Phụ nữ tiếp tục được chú trọng. Số cán bộ nữ được cơ cấu vào cương vị chủ chốt trong các cấp Hội cũng đã tăng lên đáng kể. Đến nay, có 26 chị là Uỷ viên Ban Thường vụ TW Hội và các Tỉnh, Thành hội; 16 chị là Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Tỉnh, Thành hội; hàng trăm chị là UVBCH, Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Quận, Huyện hội. Nhờ vậy, các chị đã chủ động xây dựng chương trình công tác, tham mưu, đề xuất với các đồng chí lãnh đạo Hội nhằm tổ chức các hoạt động dành cho phụ nữ, trẻ em ngày càng hiệu quả hơn. Lớp Tập huấn Công tác phụ nữ đã được tổ chức tại Trung tâm Đào tạo - PHCN cho người mù với sự tham dự của 25 học viên, trong đó, có nhiều học viên đến từ các tỉnh mới thành lập Hội như: Sơn La, Hòa Bình, Trà Vinh…

Bên cạnh các nội dung lí thuyết, phần thực hành các kĩ năng trình bày, thuyết phục, tổ chức hội nghị, hội thảo, câu lạc bộ… với các hình thức phong phú: sân khấu hóa, phân vai, giải quyết các tình huống cụ thể… đã góp phần tạo điều kiện để chị em áp dụng vào thực tế công tác khi trở về địa phương. Năm 2014 cũng là năm Trung ương Hội có một số hoạt động mang tính định hướng đối với công tác  phụ nữ và trẻ em mù. Hội thảo "Nâng cao hiệu quả Công tác chăm sóc phụ nữ và trẻ em mù" được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 31 Tỉnh, Thành hội. Đây là lần đầu tiên Trung ương Hội tổ chức hội thảo về mảng công tác này. Tuy số đơn vị tham gia chưa đầy đủ nhưng hội thảo đã cơ bản thành công, đánh giá được những kết quả, nêu lên những khó khăn, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong thời gian qua và đề ra phương hướng, giải pháp để công tác chăm sóc chị em và các cháu hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Trung ương Hội cũng đã có buổi làm việc với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm thống nhất chủ trương đẩy mạnh chương trình phối hợp, tiến tới tổng kết 10 năm thực hiện chương trình vào năm 2016. Đây cũng là năm đầu tiên Trung ương Hội tham dự và báo cáo về công tác phụ nữ, trẻ em tại Diễn đàn Phụ nữ - Hiệp hội Người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đồng thời, cũng học hỏi được những kinh nghiệm về công tác này tại các nước trong khu vực.

          Việc ưu tiên, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho chị em và các cháu đã trở thành quan điểm xuyên suốt thể hiện trên các mặt hoạt động của Hội. Nhiều Tỉnh, Thành hội tiếp tục duy trì và phát triển tốt nguồn quỹ dành cho phụ nữ, kêu gọi để trợ cấp thường xuyên cho chị em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, điển hình như ở Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định… . Bên cạnh đó, một số đơn vị đã thành công trong việc tổ chức các lớp dạy nghề dành riêng cho phụ nữ, góp phần giúp chị em có thêm những nghề mới nhằm phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Chẳng hạn, sau khi tham gia lớp Thủ công mĩ nghệ tại Trung tâm của Trung ương Hội và  Tỉnh hội Bắc Ninh, với đôi bàn tay khéo léo và những cảm nhận tinh tế, một số chị em đã có thể kết những giỏ hoa, túi xách, con giống  bằng vải von, hạt cườm. Sản phẩm của các chị đã đứng vững trên thị trường, không chỉ tạo ra thu nhập ổn định mà còn mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, góp phần đưa những nét đẹp văn hóa của quê hương đến với du khách gần xa. Chị Nguyễn Thị Huyên - Trưởng Ban CT Phụ nữ Tỉnh hội Bắc Ninh cho biết:

                              Nhân dịp Tết nguyên đán, ngày 8/3, Quốc tế thiếu nhi, tháng hành động vì trẻ em, tổng kết năm học, các cấp Hội từ TW đến địa phương đã tổ chức các hình thức hoạt động phong phú để chăm sóc, động viên chị em và các cháu. TW Hội vận động sự hỗ trợ từ Báo Năng lượng mới, Công ti sữa TH True Milk, Công ti DID Việt Nam  tặng quà cho phụ nữ và trẻ em mù tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương,  Chi hội trực thuộc TW Hội. Các Tỉnh, Thành hội tổ chức các hoạt động như: gặp mặt, tặng quà, biểu dương, khen thưởng, thi nấu ăn, hái hoa dân chủ, khám chữa bệnh miễn phí, tham quan khu di tích lịch sử… kết hợp với việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Nghị quyết của Hội… với tổng kinh phí hàng tỉ đồng. Những món quà khi Tết đến, xuân về, lúc ốm đau, hoạn nạn, những căn nhà đại đoàn kết, nhà tình thương do Hội vận động xây dựng  đã góp phần giúp chị em thêm ấm áp trong vòng tay của Hội cùng cả cộng đồng và càng quyết tâm vươn lên xây dựng cuộc sống bình đẳng, gia đình hạnh phúc.

          Về công tác chăm lo đời sống tinh thần, các câu lạc bộ “Bếp hồng hạnh phúc”, “Gia đình không sinh con thứ ba”, tổ “Phụ nữ niềm tin” ...  tiếp tục được duy trì và phát triển, giúp chị em nâng cao kiến thức , kĩ năng, áp dụng vào thực tế và động viên chị em hăng hái vươn lên trong cuộc sống. Là một thành viên của tổ "Phụ nữ niềm tin", chị Nguyễn Thị Ngọc Bích ở Sóc Trăng chia sẻ:

          Trong năm qua, được sự hỗ trợ của các nhà doanh nghiệp, Trung ương Hội đã thực hiện chuyển đổi, in ấn tập "Câu đố dành cho tuổi thơ" sang chữ Braille và thu âm 3 đầu sách: "Truyện hoa, truyện quả", "10 vạn câu hỏi vì sao" và "Băn khoăn tuổi dậy thì". Ngoài ra, Hội còn liên hệ và nhận được 160 đĩa CD gồm 8 đầu sách nói do Ngân hàng Standard Chartered trao tặng. Những ấn phẩm nói trên đều được chuyển về cho các địa phương, góp phần nâng cao kiến thức, kĩ năng, nuôi dưỡng và phát huy các giá trị tinh thần cho chị em và các cháu. Trung ương Hội cũng đã phối hợp với Trung tâm Khiếm thị Nhật Hồng triển khai chương trình hỗ trợ trẻ em mù – đa tật tại tỉnh Bắc Giang. Trước mắt, Trung tâm Nhật Hồng hỗ trợ 16 cháu với mức 200.000 Đ/cháu/tháng. Căn cứ vào kết quả khảo sát, sẽ cố gắng tạo điều kiện cho các cháu còn khả năng đi học được tham gia học tập trung. Đối với các cháu không có khả năng học tập thì sẽ tiếp tục hỗ trợ kinh phí chăm sóc tại gia đình theo định mức nói trên. Các Tỉnh, Thành hội cũng đã tổ chức nhiều đợt tặng quà, trao học bổng, giúp đỡ, khuyến khích các cháu vươn lên trong học tập và cuộc sống.

          Năm 2014, cùng với các đơn vị đã có bề dày thành tích trong công tác này như: Hà Nội, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai…, một số đơn vị mới như Phú Yên, Trà Vinh đã có nhiều nỗ lực trong việc kiện toàn Ban Công tác Phụ nữ, xây dựng chương trình phối hợp với Hội LHPNVN và  triển khai các hoạt động giúp đỡ, động viên chị em và các cháu. Chúng ta cũng ghi nhận nhiều thành tích của phụ nữ, trẻ em mù. Em Huỳnh Thị Thu Thủy – Thành hội Đà Nẵng đạt giải tác phẩm hay tại cuộc thi Onkyo “Chữ Braille làm thay đổi cuộc đời tôi” do Hiệp hội Người mù khu vực Châu Á – Thái Bình Dương phát động; bốn hội viên nữ trẻ được lựa chọn tham dự cuộc thi Đọc, viết chữ Braille tiếng Anh quốc tế do Hội Người mù Thái Lan tổ chức, trong đó, em Nguyễn Thị Yến Anh – Tỉnh hội Thừa Thiên Huế, đạt giải ba ở nội dung thi đọc. Nhiều phụ nữ, trẻ em mù khác cũng đã đạt kết quả cao trong học tập, công tác, lao động sản xuất, văn nghệ, thể dục – thể thao… Những tấm gương đó đã góp phần giúp cộng đồng hiểu hơn về khả năng của người mù, đồng thời, khích lệ những người đồng tật thêm tự tin, cố gắng khắc phục khó khăn, hòa nhịp với sự phát triển chung của xã hội.

          Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chăm sóc phụ nữ, trẻ em mù ở một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, trình độ năng lực và điều kiện làm việc của nhiều cán bộ nữ còn hạn chế, từ đó, hoạt động còn đơn điệu, chưa rõ nét;  cuộc sống của phụ nữ, trẻ em mù nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn; mối quan hệ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp có nơi còn thiếu chặt chẽ; điều kiện học tập của trẻ em mù, nhất là ở nông thôn vẫn còn nhiều vấn đề bất cập… Tất cả những điều đó là nỗi trăn trở đối với lãnh đạo và Ban Công tác Phụ nữ mù các cấp Hội.

          Năm 2015, công tác chăm sóc phụ nữ, trẻ em  mù cần tiếp tục được đẩy mạnh trên cơ sở phương hướng và giải pháp được nêu tại đại hội Đại biểu Hội Người mù Việt Nam lần thứ VIII và Hội thảo "Nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc phụ nữ và trẻ em mù". Trước hết là tiếp tục kiện toàn Ban Công tác Phụ nữ ở những nơi mới thành lập và hoạt động còn yếu, tăng cường việc đào tạo, bồi dưỡng, cơ cấu và tạo điều kiện cho cán bộ nữ làm việc, từ đó, tổ chức triển khai cac hoạt động ngày càng có chiều sâu và hiệu quả. Cần tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế, nhất là đối với chị em khó khăn về nhà ở, các cháu có hoàn cảnh đặc biệt, các cháu vượt khó, học giỏi nhằm vận động Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam và các cấp, các ngành có sự giúp đỡ thiết thực. Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình tập huấn, xây dựng các câu lạc bộ, nhóm phụ nữ tự lực nhằm nâng cao kiến thức kĩ năng cho phụ nữ, chú trọng các vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe, hôn nhân gia đình, vấn đề về giới… Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh chương trình phối hợp với Hội LHPNVN và huy động thêm nguồn lực để tổ chức các hoạt động khuyến khích, giúp đỡ, tạo điều kiện để chị em và các cháu vươn lên hòa nhập cộng đồng. Tin tưởng rằng, với những định hướng nói trên, công tác chăm sóc phụ nữ, trẻ em mù năm 2015 sẽ có thêm một bước tiến mới, thiết thực góp phần giúp hai nhóm đối tượng gặp nhiều khó khăn có điều kiện vươn lên cùng những người đồng tật tự tin xây dựng cuộc sống bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Đinh Việt Anh

Video

Click to download in FLV format (14.53MB)

Thống Kê
000029551

  Số người đang online : 2.